Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và triển khai hoạt động khoa học, công nghệ với các lĩnh vực trọng tâm là cơ điện, nông nghiệp và chế biến, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Trường toạ lạc tại thành phố Cần Thơ, trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thế mạnh thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên trong phát triển nguồn nhân lực cho vùng.
Trong những năm qua Trường đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tiếp cận khoa học, công nghệ hiện đại, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học.
Hình 1. Sinh viên thực hành trồng rau thủy canh trong nhà lưới
Hiện nay, trường đang đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã và doanh nghiệp, bằng nhiều hình thức: Liên kết trong hoạt động đào tạo như tham quan thực tế, thực tập rèn luyện tay nghề; Liên kết trong xây dựng mục tiêu, nội dung, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo; thường xuyên lắng nghe phản hồi từ phía đối tác để cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo tăng cường thời lượng thực hành, thực tập, cung cấp cho người học cơ hội được tiếp xúc sớm với ngành nghề mình lựa chọn. Bên cạnh đó, từ việc phản hồi của các nhà sử dụng lao động, nhà trường đã điều chỉnh kịp thời các nội dung có liên quan. Nhà trường cũng luôn tạo mối liên kết trong trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp để đảm bảo việc làm.
Hình 2. Học sinh thăm quan thực tế tại tập đoàn Lộc Trời ở Đà Lạt
Hiệu quả của công tác dạy nghề theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là sự kết nối đào tạo nghề giữa nhà trường, hợp tác xã và doanh nghiệp, đang góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm, thu nhập ổn định năm sau luôn cao hơn năm trước.
Mục tiêu của trường trong thời gian tới là tăng cường mở rộng kết nối với các hợp tác xã và doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, bảo đảm 100% số lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng để duy trì sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp, của hợp tác xã, của các cơ sở đào tạo và của cả nền kinh tế. Hợp tác giữa nhà trường với hợp tác xã, doanh nghiệp trong thiết kế, vận hành các chương trình đào tạo là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu, vị thế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Với mối quan hệ hợp tác như hiện nay, nhà trường đang có những bước đi vững chắc, giải pháp linh hoạt nhằm tăng cường kết nối với đối tác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tay nghề đồng thời giúp cho học viên có thêm cơ hội học tập, thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp./.